Thị trường bất động sản năm 2018 – sóng về đâu? là chủ đề bản báo cáo thị trường bất động sản nhà ở TP.HCM quý I/2018 của Công ty DKRA Việt Nam vừa đưa ra ngày 5/4.
Quý I/2018, tiêu thụ căn hộ dẫn đầu thị trường
Nhận định về thị trường bất động sản thành phố trong quý đầu năm, DKRA cho biết thị trường tiếp tục có diễn biến tích cực, nguồn cung dồi dào và sức cầu của thị trường tốt.
Ở phân khúc đất nền, quý I/2018, DKRA ghi nhận có khoảng 970 nền cung cấp ra thị trường, bằng 44% nguồn cung quý trước đó và bằng 106% so với quý cùng kỳ 2017. Tỷ lệ tiêu thụ đạt khoảng 83%.
Khu Đông tiếp tục dẫn đầu khi chiếm đến 52% nguồn cung và 62% lượng tiêu thụ của toàn thị trường. Đáng chú ý, tỷ lệ tiêu thụ đất nền phân lô của riêng khu đông đạt tới 100%. Giá đất tăng 5-10% so với quý trước, riêng khu vực quận 2 giá tăng 15-20%.
Thị trường đất nền các khu vực giáp ranh thành phố có tình trạng sôi động vốn được duy trì từ năm 2017, nhất là các khu vực huyện Bến Lức, Long An; Nhơn Trạch, Đồng Nai, sau tết lại có nhiều dấu hiệu tăng nhiệt mạnh hơn.
Ở phân khúc nhà phố và biệt thự, quý I/2018 có 621 căn nhà phố, biệt thự cung cấp ra thị trường, bằng khoảng 75% nguồn cung quý trước và bằng 140% so với quý cùng kỳ 2017. Tỷ lệ tiêu thụ đạt khoảng 63%.
Khu Đông vẫn là khu vực dẫn đầu thị trường khi chiếm 49% nguồn cung và 51% lượng tiêu thụ toàn thị trường.
Với phân khúc căn hộ, quý đầu năm nguồn cung tiếp tục dồi dào, cung cấp ra thị trường khoảng 10.431 căn, bằng 135% nguồn cung quý I/2017. Lượng tiêu thụ khả quan với tỷ lệ 86% (8.946 căn), bằng 166% so với cùng quý 2017.
Phân khúc căn hộ hạng B và C tiếp tục dẫn dắt thị trường, chiếm 72% nguồn cung. Khu Tây dẫn đầu nguồn cung khi chiếm tới 39% lượng cung. Phân khúc hạng A nguồn cung dồi dào với 2.903 căn, tiêu thụ đạt tới 91%. Phân khúc hạng sang không ghi nhận dự án mới.
Khu Nam sẽ “soán ngôi” khu Đông?
DKRA cho rằng, trong năm 2018 thị trường đất nền vùng ven TP.HCM sẽ tạo cơn sóng thu hút sự quan tâm mạnh mẽ từ các chủ đầu tư và người mua. Dù vừa trải qua Tết nguyên đán, song ngay từ những ngày đầu năm mới, thị trường đất nền vùng ven thành phố và khu vực giáp ranh đã sôi nổi với hàng loạt dự án mở bán, tập trung chủ yếu ở khu vực Long An, Đồng Nai, Bình Dương. Đa số khách hàng đầu tư chiếm khoảng 70-80%.
DKRA nhận định nguồn cung này sẽ tiếp tục tăng mạnh, mức giá đến cuối năm có thể tiếp tục tăng dù không đột biến như quý I/2017. Tuy nhiên DKRA cho rằng cơn sốt đất nền sẽ có những tác động nguy hiểm nếu cứ tiếp tục kéo dài và mức tăng không được kiểm soát. Khi mà khách hàng liên tục đầu tư vào đất nền đẩy giá lên quá cao so với giá trị thực, không kiểm soát giá có thể sẽ đưa thị trường lặp lại tình trạng bong bóng.
DKRA nhận định, nguồn cung căn hộ dự báo sẽ tiếp tục dồi dào, dao động ở mức khoảng từ hơn 10.000 căn.
Nhận định về việc liệu sự cố cháy nghiêm trọng xảy ra tại chung cư Carina Plaza, quận 8, có ảnh hướng tới thị trường chung cư của TP.HCM hay không, ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc R&D của DKRA cho rằng không tác động nhiều đến thị trường chung cư.
“Tiêu thụ chung cư chiếm 76% sản phẩm bất động sản mới. Tại TP.HCM có hơn 1.000 tòa nhà cao từ 12 tầng trở lên, sự cố nằm rất ít ở những nơi này và tôi cho rằng sự cố tác động nhiều đến chung cư”, ông Hoàng nêu quan điểm.
Nhận định về khu vực nào sẽ có sự sôi động trong thời gian tới, DKRA cho rằng khu Nam Sài Gòn sẽ có sự bứt phá mạnh mẽ.
Nguồn cung khu Nam quý I/2018 tăng 10% so với quý IV/2017. Bắt đầu từ năm 2017, thị trường khu này đã đón nhận nhiều thương vụ chuyển nhượng, hợp tác. Nhiều chủ đầu tư dồn lực về khu Nam chuẩn bị quỹ đất lớn cho cuộc “bung hàng” như Novaland, Hưng Thịnh, Nam Long, Kiến Á, Khang Điền… với nguồn cung dự kiến trong 2018 là khoảng 12.000 đến 15.000 căn hộ và khoảng hơn 1.000 căn nhà phố/biệt thự, theo đó đưa khu Nam trở thành khu vực sôi động nhất thị trường TP.HCM năm nay.
Nguyên nhân khả năng tạo “sóng” ở khu Nam phải kể đến tác động của các thông tin hạ tầng giao thông sắp được triển khai tại khu này. Trước đây, thời điểm khu Đông tạo “sóng” rơi vào thời gian các công trình giao thông khu Đông bắt đầu hoặc có chủ trương khởi công. Điều này có thể lặp lại tại khu Nam, khi nơi đây đang và sắp triển khai nhiều dự án giao thông quy mô lớn như nút giao Nguyễn Hữu Thọ – Nguyễn Văn Linh, mở rộng đường Lê Văng Lương, Huỳnh Tấn Phát, cầu Nguyễn Khoái – Bến Vân Đồn, cầu Thủ Thiêm 4 nối quận 7 và quận 2, thi công gói thầu cuối cao tốc Bến Lức – Long Thành đi qua huyện Nhà Bè.